facebook

Doanh nghiệp công nghệ chuẩn bị cho 5G

Viettel đã nghiên cứu sản xuất trạm thu và phát sóng cho mạng di động 5G.

(TBVTSG) - Các doanh nghiệp công nghệ trong nước đang có những bước chuẩn bị cho việc triển khai dịch vụ 5G sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ cấp giấy phép cho thử nghiệm mạng 5G từ năm 2019.

Hiện nay, có ít nhất một công ty công nghệ trong nước đang triển khai các kế hoạch phát triển các trạm thu và phát sóng điện thoại, sản xuất các thiết bị phát sóng di động và các sản phẩm sử dụng công nghệ 5G. Theo các chuyên gia, 5G là công nghệ viễn thông di động thế hệ thứ 5, cho phép truy cập Internet di động nhanh hơn 3G và 4G tới vài chục lần.

Hạ tầng quan trọng cho cách mạng 4.0

Tại cuộc hội thảo Đổi mới sáng tạo Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức vào tháng 11 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết bộ có chủ trương cấp tần số 5G cho việc thử nghiệm dịch vụ này từ năm 2019. Đến năm 2020, Việt Nam sẽ là những nước đầu tiên trên thế giới triển khai dịch vụ 5G.

Hiện nay, các công ty công nghệ, viễn thông trong nước đang lên kế hoạch tận dụng những cơ hội mà công nghệ 5G sẽ tạo ra. Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch VNPT, cho biết tập đoàn này đã xin giấy phép để thử nghiệm 5G, còn MobiFone cũng đã thể hiện ý muốn được thử nghiệm dịch vụ này tại thi trường trong nước. Tuy nhiên, cho đến nay, cả VNPT và MobiFone đều chưa cung cấp thông tin chi tiết về việc chuẩn bị cho kế hoạch thử nghiệm 5G.

Vietnamobile cũng chưa thông tin gì về kế hoạch xin thử nghiệm cũng như triển khai 5G của mình.

Ngay sau cuộc hội thảo nêu trên, ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), nói: “Viettel đã sẵn sàng tham gia cuộc thử nghiệm 5G trong năm 2019 và mong rằng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sớm có thông tin về tần số để Viettel và các nhà mạng khác có sự chuẩn bị về thiết kế, thiết bị phù hợp cho 5G”. Ông cho biết thêm việc thử nghiệm 5G đòi hỏi sự phát triển của những dịch vụ hạ tầng có liên quan như cáp quang, các trạm phát sóng và nhà mạng này đã có sự chuẩn bị từ rất sớm nhờ có lợi thế trong việc phát triển mạng cáp quang đến những vùng sâu vùng xa trong cả nước.

Trả lời câu hỏi của báo chí là “5G sẽ được thử nghiệm tại Việt Nam từ năm 2019 và chính thức triển khai từ năm 2020 và như thế liệu các doanh nghiệp viễn thông trong nước có đủ thời gian để có sự chuẩn bị tốt cho việc thử nghiệm 5G?”, ông Thắng nói rằng đối với 4G, Viettel đã triển khai 36.000 trạm thu và phát sóng chỉ trong trong sáu tháng. “Triển khai hạ tầng đường truyền dẫn cáp quang và các vị trí trạm thu phát sóng đòi hỏi nhiều thời gian nhất nhưng khi đã có hạ tầng, việc lắp đặt các thiết bị vào là rất nhanh chóng”. Ông Thắng cho biết đối với 5G các nhà mạng đã sẵn sàng vì họ đã có sẵn các cơ sở hạ tầng, nhưng điều này quan trọng hơn là liệu người dùng đã sẵn sàng cho dịch vụ này hay chưa, đã có thiết bị đầu cuối 5G chưa. Ông nhấn mạnh rằng khi thị trường đã sẵn sàng, người dùng cũng sẵn sàng, và máy đầu cuối đã có thì việc triển khai các thiết bị 5G trên các trạm của các nhà mạng với hạ tầng sẵn là nằm trong tầm tay.

Tuy nhiên một trong những vấn đề của các nhà mạng trong nước là đến thời điểm hiện nay, tức là tám năm sau khi thế giới có công nghệ 4G, Việt Nam vẫn chưa cấp được tần số mới để làm 4G. Mạng 4G mà các nhà mạng khai trương năm 2017 là do sự dồn dịch tần số 2G và như thế chưa thể có 4G tốc độ cao thực sự. Câu hỏi được đặt ra là vậy khi 4G triển khai còn chưa hoàn thiện thì có nên tính đến việc triển khai 5G? Nhiều chuyên gia cho rằng kể cả khi chưa có 4G thực sự thì vẫn cần triển khai 5G vì 4G là phục vụ kết nối giữa người với người còn để hỗ trợ cho Internet kết nối vạn vật (Internet of things – IoT) thì chỉ có 5G mới đáp ứng nổi. Do đó, 5G thực hiện chức năng bổ trợ chứ không thay thế 4G.

Giải thích lý do vì sao cần sớm cấp giấy phép dịch vụ 5G tại Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói: “Công nghệ 5G sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về kết nối. Nếu các mạng 2G, 3G, 4G kết nối 7 tỉ người thì 5G sẽ kết nối hàng ngàn tỉ thiết bị, chuyển tải toàn bộ thế giới vật lý vào thế giới ảo. Mạng 5G là hạ tầng kết nối vạn vật - hạ tầng quan trọng nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (cách mạng 4.0). Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam muốn đi đầu trong cuộc cách mạng công nghệ này thì phải sớm triển khai mạng 5G.

Trong cuộc hội thảo Đổi mới sáng tạo Việt Nam,  vừa qua, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, mô tả việc xây dựng và hoàn thiện hạ tầng số hiện nay đối với Việt Nam như là cuộc chạy đua nước rút vì điều này quyết định sự thành công mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử. “Việt Nam có bắt kịp con tàu cách mạng công nghiệp 4.0 hay không thì điều kiện tiên quyết là phải phát triển được hạ tầng số. Mạng 5G chính là xương sống của kết nối hạ tầng trong cuộc cách mạng đó”.

Vingroup dự kiến sẽ cho ra mắt những sản phẩm điện thoại thông minh đầu tiên thương hiệu Vsmart vào tuần này. Ảnh: Vân Ly

 

Đẩy mạnh sản xuất thiết bị 5G trong nước

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tất cả thiết bị mạng 2G và 3G tại Việt Nam đều được nhập khẩu và khi triển khai 4G thì lần đầu tiên có thiết bị 4G (điện thoại, trạm thu và phát sóng) được sản xuất tại Việt Nam, nghĩa là tám năm sau khi công nghệ này xuất hiện lần đầu trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ có thiết bị 5G ngay từ ngày đầu triển khai chính thức dịch vụ này vào năm 2020. “Đây sẽ là sự thay đổi lớn nhất, sự thay đổi có ý nghĩa nhất và cũng là sự chuyển đổi về chất lớn nhất trong ngành công nghiệp điện tử viễn thông nước nhà”, ông nói.

Ông Hùng cho rằng 5G không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, cơ hội để thay đổi thứ hạng viễn thông của Việt Nam, mà còn là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông nước nhà. Với nhu cầu rất lớn về thiết bị mạng lưới và đặc biệt lớn về thiết bị đầu cuối, nhu cầu mang tính quyết định của an toàn, an ninh mạng, nhu cầu toàn dân về ứng dụng sẽ tạo ra thị trường vô hạn cho các công ty công nghệ Việt Nam. “Bộ Thông tin và Truyền thông khích lệ và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, cả nhà nước và tư nhân, cả doanh nghiệp lớn và nhỏ, nghiên cứu sản xuất được thiết bị viễn thông, kể cả thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối, để mạng viễn thông Việt Nam được xây lên bởi thiết bị được sản xuất ở Việt Nam. Việt Nam cũng sẽ phải trở thành nước thứ 5 trên thế giới xuất khẩu được thiết bị viễn thông Made in Vietnam, bao gồm tất cả thiết bị mạng và đầu cuối”, ông Hùng đưa ra mục tiêu mà ngành này muốn đạt được.

Viettel thì cho biết đã thành lập nhóm nghiên cứu phát triển công nghệ 5G từ năm 2015. Hiện tập đoàn đã nghiên cứu và sản xuất thiết bị trạm phát sóng 5G sau khi đã thành công với trạm phát sóng 4G và đã sử dụng cho 5% mạng lưới của mình. Đến nay, Viettel đã đạt được một số kết quả tích cực. Tập đoàn đã làm chủ các công nghệ lõi của phần mềm cho thiết bị 5G, thiết kế phần cứng khối thu phát cao tần, thiết kế phần mềm lớp vật lý cho thiết bị 5G. Mục tiêu đến năm 2019 là sẽ hoàn thành việc chế thử trạm phát sóng 5G phiên bản một, thử nghiệm mạng lưới trạm 5G vào năm 2020 và sẵn sàng thương mại hóa sản phẩm vào năm 2021. Được biết, Viettel cũng phối hợp với các nhà cung cấp để nghiên cứu, tự sản xuất các thiết bị 5G và hệ thống mạng lõi hỗ trợ cho 5G, thiết bị đầu cuối 5G.

Còn ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch VNPT, cho biết bên cạnh việc xin giấy phép thử nghiệm 5G, VNPT cũng thực hiện các hoạt động thử nghiệm để chuẩn bị kế hoạch sản xuất các thiết bị mạng 5G. Vào cuối tháng 10 vừa qua, VNPT và Nokia đã ký hợp tác nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm triển khai công nghệ 5G, IoT. Dự kiến, dự án này sẽ được thực hiện trong vòng ba năm với tổng giá trị khoảng 15 triệu đô la Mỹ. Theo đó, VNPT và Nokia sẽ hợp tác để thiết lập phòng nghiên cứu về 5G và IoT nhằm thử nghiệm các công nghệ mạng 5G và các giải pháp, ứng dụng trên mạng 5G; thử nghiệm, phát triển các công nghệ, ứng dụng IoT. VNPT và Nokia hợp tác trong việc hiện đại hóa mạng lưới VNPT theo định hướng 5G và điện toán đám mây. Ngoài ra, hai bên sẽ chia sẻ thông tin các nghiên cứu mới nhất về công nghệ và sản phẩm mới trên mạng 5G.

Cũng trong cuộc hội thảo Đổi mới sáng tạo Việt Nam nêu trên, Bkav là doanh nghiệp sản xuất điện thoại thông minh trong nước duy nhất trình bày tham luận. Bkav cho biết đã đầu tư hơn 500 tỉ đồng để sản xuất điện thoại với niềm tin mạnh mẽ rằng điện thoại thông minh (smartphone) Việt Nam có thể cạnh tranh được với các sản phẩm của thế giới. Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Bkav, cho rằng trước cuộc cạnh tranh khốc liệt với các thương hiệu toàn cầu, điện thoại thông minh “Made in Vietnam” vẫn có cơ hội cạnh tranh. Hiện Bkav và người Việt đang nắm tới 7/9 công đoạn trong chuỗi sản xuất điện thoại Bphone. “Bkav đặt mục tiêu đến năm 2023 sẽ giành được gần 35% thị phần thị trường điện thoại thông minh Việt Nam, tương đương doanh thu 2 tỉ đô la Mỹ. 

Được biết, vào ngày 14-12 tới, Vingroup sẽ cho ra mắt những sản phẩm điện thoại thông minh đầu tiên do tập đoàn này sản xuất với thương hiệu Vsmart. Như vậy, tập đoàn này cho ra thị trường sản phẩm chỉ sáu tháng sau khi công bố triển khai kế hoạch sản xuất các thiết bị điện tử với khởi điểm là điện thoại thông minh bằng việc thành lập Công ty VinSmart có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng. Nhà máy sản xuất điện thoại Vsmart được đầu tư xây dựng tại tổ hợp sản xuất ô tô VinFast ở khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) theo tiêu chuẩn quốc tế. Sản phẩm điện thoại Vsmart được VinSmart thuê tư vấn thiết kế, mua các bản quyền thiết kế các cấu phần rồi sản xuất trên dây chuyền thiết bị tại nhà máy Vsmart.

Được biết, các nhà sản xuất nêu trên sẽ sớm tích hợp công nghệ 5G vào các sản phẩm điện thoại của mình khi công nghệ này được cung cấp tại Việt Nam. Bởi vì để sử dụng được 5G thì không chỉ đòi hỏi công nghệ này phải được các nhà mạng cung cấp mà người dùng cũng phải có điện thoại 5G.

Ông Nguyễn Vũ Lưu, Giám đốc chiến lược của Viettel, cho rằng 5G không phải câu chuyện riêng của nhà mạng mà của cả quốc gia. Viettel đã tham gia thiết kế và sản xuất thiết bị viễn thông như hạ tầng mạng (trạm thu và phát sóng) 4G mà trên thế giới chỉ có sáu công ty sản xuất được. Song, ông Lưu cho rằng muốn đẩy mạnh sản xuất thiết bị 5G trong nước thì cần sự vào cuộc của nhà nước.

Ông cũng kể câu chuyện khi Viettel sản xuất Dcom 3G (thiết bị phát Wi-Fi 3G di động) thì luôn phải chạy đua về giá với Huawei (Trung Quốc) và họ luôn đưa ra giá thấp hơn không thể đua được. “Doanh nghiệp sản xuất trong nước phải chịu thuế nhập khẩu linh kiện, vì nghĩ cái đó Việt Nam làm được. Trong khi thực tế các doanh nghiệp sản xuất linh kiện trong nước không đạt yêu cầu chất lượng. Sau khi Viettel làm việc với cơ quan thuế thì vẫn có những linh kiện nhập khẩu để sản xuất bị đánh thuế. Trong khi đó hiện việc nhập khẩu điện thoại đang có mức thuế bằng không”, ông Lưu nói. Đây là một trong những điểm bất cập gây khó khăn cho nhà sản xuất thiết bị trong nước cần phải gỡ thì mới khuyến khích việc sản xuất thiết bị 5G tại Việt Nam.

Vân Ly

Nguồn: thesaigontimes.vn