facebook

Nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm lĩnh vực môi trường tại Hà Nội

Thưa ông, Hà Nội đang có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư. Điều này quan trọng thế nào đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản?

Việc cải thiện môi trường đầu tư sẽ gia tăng sức hấp dẫn của Thành phố không chỉ đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, mà còn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo kết quả khảo sát về tình hình hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương do JETRO mới thực hiện, thì thuận lợi trong môi trường đầu tư của Việt Nam là “quy mô thị trường/khả năng tăng trưởng”, “tình hình chính trị/xã hội ổn định” và “chi phí nhân công rẻ”.

Trong khi đó, những rủi ro trong môi trường đầu tư như “chi phí nhân công tăng cao”, “hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận dụng luật pháp thiếu minh bạch”, “cơ chế, thủ tục thuế phức tạp”, “thủ tục hành chính phức tạp” được nâng lên hàng đầu, tỷ lệ rủi ro về kết cấu hạ tầng cứng như điện, thông tin liên lạc chưa hoàn thiện giảm so với năm trước.

Nếu nói đến cải thiện môi trường đầu tư, thông thường người ta quan tâm đến kết cấu hạ tầng cứng, nhưng thực tế, vấn đề khó khăn mà các doanh nghiệp Nhật Bản gặp phải là kết cấu hạ tầng phần mềm như đã trình bày ở trên, nên thực tế, kết quả điều tra trên rất đáng để xem xét.

Tại Hà Nội, doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư vào lĩnh vực nào nhất, thưa ông?

JETRO thực hiện khảo sát trên toàn lãnh thổ Việt Nam, nhưng chưa khảo sát/phân tích theo từng địa phương, nên tôi không có câu trả lời.

Khảo sát cho thấy, nếu so sánh số dự án đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam theo từng ngành, thì năm 2017, thứ tự ngành từ cao đến thấp là chế tạo, tư vấn, bán lẻ/phân phối/công nghệ thông tin. Xu hướng đầu tư vào các ngành này hầu như giống những năm trước đó. 

Trong những năm qua, không ít doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam để đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp và y tế, thưa ông?

Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam, đa số doanh nghiệp Nhật Bản tập trung ở các vùng gần Đà Lạt hoặc Mộc Châu. Tuy nhiên, gần đây, đã xuất hiện một số dự án mở rộng hoặc đầu tư sang các địa phương khác.

Mặc dù quy mô còn nhỏ, nhưng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã cung cấp ra thị trường những nông sản ngon bằng phương pháp hữu cơ.

Với mức sống được cải thiện và người dân ý thức hơn về sức khỏe, thì nhu cầu về sản phẩm nông sản/thực phẩm sạch, an toàn chắc chắn cũng tăng lên.

Ở Việt Nam, tiến trình già hóa dân cư diễn ra nhanh hơn so với Nhật Bản. Có thông tin dự báo, đến năm 2033, tỷ lệ người cao tuổi (trên 65 tuổi) tại Việt Nam sẽ chiếm trên 14% dân số. Nhật Bản đã bước vào thời kỳ xã hội rất già và được xem là một nước tiên tiến trong lĩnh vực chăm sóc y tế/phúc lợi/chăm sóc điều dưỡng.

Năm ngoái, một tập đoàn y tế Nhật Bản đã ký thỏa thuận về hợp tác kỹ thuật với một bệnh viện công của Việt Nam. Thiết nghĩ, hai bên cần khẩn trương đào tạo nhân lực không chỉ cho chăm sóc y tế tổng quát, mà còn phục vụ việc chăm sóc người cao tuổi.

Ông đánh giá thế nào về đầu tư của Nhật Bản vào các lĩnh vực xã hội tại Hà Nội như giáo dục, đào tạo, quản lý chất thải, ô nhiễm môi trường?

Việc triển khai các dự án giáo dục, đào tạo, quản lý chất thải… tại Hà Nội xuất phát từ quan điểm, chiến lược của mỗi công ty, nên tôi không thể nói một cách chung chung được. Tuy nhiên, trong tiến trình đô thị hóa, thì tầm quan trọng của các dự án liên quan trực tiếp đến việc giải quyết các vấn đề xã hội như tắc nghẽn giao thông, xử lý ô nhiễm môi trường… chắc chắn sẽ tăng lên.

Hà Nội có kế hoạch phát triển các tuyến đường vành đai, đường sắt đô thị và Nhật Bản đã hợp tác một phần thông qua các khoản vay ODA. Song song với việc phát triển đó, thì đối phó với vấn đề ô nhiễm là điều không thể thiếu.

Nhật Bản cũng đã từng bị ô nhiễm trầm trọng. Đã có thời kỳ, Nhật Bản ưu tiên tăng trưởng kinh tế mà quên đi điều quan trọng là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ an toàn của môi trường tự nhiên. Sau đó, nhận thức rõ vấn đề này, Nhật Bản đã ban hành luật và thiết lập các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường. Kết quả là, nếu như trước đây, ô nhiễm không khí ở Nhật Bản cực kỳ tồi tệ, thì hiện nay, tình hình đã đổi khác hoàn toàn.

Các doanh nghiệp Nhật Bản rất nhạy cảm với vấn đề môi trường. Hy vọng rằng, sẽ có những dự án hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong vấn đề này nhằm giải quyết các vấn đề xã hội.

Thanh Tùng

Nguồn: baodautu.vn